Tên gọi Đồng_Tập_Trận

Theo học giả Vương Hồng Sển, thì ngoài cái tên "Đồng Tập Trận", vùng đất này còn được gọi là Mô Súng, là Mả Ngụy (hay Mả Biền Tru) [3].

Gọi là "Mô súng" vì nơi đây có các mô đất cao[4] đặt các khẩu súng đại bác để phục vụ cho công tác huấn luyện của quân đội nhà Nguyễn (xem lời kể của học giả Trương Vĩnh Ký ở bên dưới). Theo nhà Nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, thì vị trí các "mô súng ở gần Mả ngụy" [5], tức ở khu vực Ngã Sáu (Công trường Dân Chủ) ngày nay.

Gọi là "Mả Ngụy" (hay "Mả Biền Tru") vì nơi đây có một ngôi mộ chung chứa 1.831 xác người gồm "già trẻ trai gái"[6] ngay sau khi cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi bị quân đội nhà Nguyễn đánh dẹp vào tháng 7 năm Ất Mùi (1835)[7].

Bản đồ mô tả khu vực Đồng Mả Mồ (chữ màu tím)

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng nó còn được người Pháp gọi là Đồng Mả Mồ (Plaine des Tombeaux), trích: "Sau này Đồng Tập Trận gọi là cánh đồng mả vì có nhiều mộ chôn, kể cả mả của những người bị chết trận hay bị vua Minh Mạng hành hình sau cuộc khởi loạn của Lê Văn Khôi". Tuy nhiên, đọc trong bài viết "Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng phụ cận" [8] của học giả Trương Vĩnh Ký, thì thấy Đồng Tập Trận chỉ là một phần của cánh đồng Mả Mồ (xem đoạn trích bên dưới).